Giải mã INEOS: Công thức tối ưu của Sir Jim Ratcliffe & canh bạc lớn nhất tại Man Utd
Khi chúng ta đã quá quen thuộc với những câu chuyện thành công của các tỷ phú công nghệ hay các nhà đầu tư Phố Wall thì có một nhân...
Khi chúng ta đã quá quen thuộc với những câu chuyện thành công của các tỷ phú công nghệ hay các nhà đầu tư Phố Wall thì có một nhân vật bỗng nhiên nổi bật lên trong khoảng 2 năm trở lại đây như một nghịch lý hấp dẫn: Sir Jim Ratcliffe. Ông không phải là người sáng lập của một tập đoàn nào đó tại Thung lũng Silicon và cũng không phải người thừa kế của một gia đình tài phiệt lâu đời. Ông là một kỹ sư hóa học với bộ não được rèn giũa bởi những phương trình, những quy luật vật lý bất biến và đôi tay từng quen với lao động khổ cực.
Xuất thân từ một căn nhà xã hội ở Failsworth, nước Anh, Sir Jim Ratcliffe đã tự mình đi một hành trình không tưởng để trở thành người sáng lập, kiến trúc sư trưởng và chủ nhân của INEOS – tập đoàn hóa chất tư nhân khổng lồ, một đế chế với doanh thu hàng năm lên tới hàng chục tỷ đô la. Giờ đây, người đàn ông với khối tài sản khoảng 17 tỷ bảng Anh đang nắm trong tay quyền điều hành các hoạt động bóng đá của một trong những biểu tượng văn hóa vĩ đại nhất hành tinh: Manchester United.
Chính tại Nhà hát của những Giấc mơ, nghịch lý lớn nhất trong cuộc đời ông được phơi bày. Một con người đã dành cả sự nghiệp để áp dụng kỷ luật tài chính lạnh lùng, tư duy tối ưu đến tàn nhẫn của ngành hóa chất, giờ đây lại bước vào thế giới bóng đá đỉnh cao – nơi trần ngập tràn cảm xúc, đam mê và cả sự phi lý trí.
Điều này đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu công thức đã giúp ông dựng nên một đế chế công nghiệp toàn cầu có thể áp dụng để tái sinh một câu lạc bộ bóng đá đang chìm trong khủng hoảng? Liệu sự khắc nghiệt của logic có thể chiến thắng được sự hỗn loạn của đam mê? Để giải mã những quyết định này của Sir Jim Ratcliffe, chúng ta sẽ cùng nhau lần theo một hành trình phi thường của ông ngay sau đây
I. CUỘC ĐỜI & SỰ NGHIỆP
1. Thời thơ ấu: Nền tảng của sự gai góc
Câu chuyện của Jim Ratcliffe không bắt đầu trong nhung lụa, nó bắt đầu tại Failsworth, một thị trấn thuộc vùng Greater Manchester. Ông ra đời trong thời kỳ nước Anh vẫn đang nỗ lực gượng dậy sau những vết sẹo của Thế chiến thứ hai, nơi những nhà máy, những ống khói và những gia đình lao động chiếm phần lớn bức tranh của xã hội. Cha ông là một thợ mộc, người dạy cho ông giá trị của lao động chân tay và sự khéo léo. Mẹ ông làm việc trong một văn phòng kế toán, người có lẽ đã truyền cho ông sự nhạy bén với những con số ngay từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của Ratcliffe gắn liền với không khí của tầng lớp lao động: sự cần cù, tính thực tế và sự thấu hiểu sâu sắc rằng không có gì trên đời đến một cách dễ dàng.
Năm 1962, khi ông lên 10 tuổi, gia đình quyết định chuyển đến East Yorkshire. Chính trong giai đoạn này, bên cạnh việc học tập, một niềm đam mê lớn đã nảy nở trong ông: bóng đá. Giống như hàng triệu đứa bé khác trên khắp nước Anh, ông yêu Manchester United. Ông thần tượng thế hệ Busby Babes, những người hùng đã viết nên huyền thoại cho câu lạc bộ. Tình yêu đó, dù có lúc bị công việc và tham vọng kinh doanh che lấp, vẫn âm ỉ cháy và sẽ trở lại một cách mạnh mẽ nhiều thập kỷ sau đó.
2. Học vấn & khởi nghiệp
Con đường học vấn của Ratcliffe đã đặt nền móng cho một tư duy kép độc đáo, kết hợp giữa khoa học và kinh doanh. Năm 1974, ông tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Birmingham. Ngành học này thuần túy logic, bao phủ bởi các quy trình và những quy luật không thể phá vỡ. Nó dạy ông về hiệu suất, về việc làm thế nào để biến đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm có giá trị cao hơn với ít chi phí nhất. Cái mà Jim gọi là “rigour” – sự nghiêm ngặt, khắt khe – đã trở thành một nửa DNA trong bộ não kinh doanh của ông sau này.
Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng tuân theo những công thức hoàn hảo. Ngay sau khi ra trường, ông nhận được một công việc tại tập đoàn dầu khí danh tiếng. Nhưng sự nghiệp tại đây kết thúc chỉ sau đúng ba ngày do ông bị sa thải. Theo lời kể của chính Sir Jim sau này, một bác sĩ của công ty phát hiện ông mắc bệnh eczema - một chứng bệnh về da, và ban quản lý lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến công việc. Bị từ chối bởi một lý do oái oăm và bất công, Ratcliffe đã nhận ra một sự thật cay đắng: khi bạn làm việc cho người khác, vận mệnh của bạn không nằm trong tay bạn. Ngọn lửa của tham vọng tự chủ, của khao khát được tự kiểm soát vận mệnh của chính mình, đã được thắp lên từ chính sự từ chối đó.
Sau sự kiện bị sa thải, ông chuyển sang làm việc cho Esso, rồi đến Courtaulds. Đây đều là những cái tên lớn trong ngành hóa chất và dệt may. Ông không chỉ làm kỹ thuật, ông còn thực tập cả vị trí kế toán. Chính trong thời gian làm việc tại Esso, tài năng của ông đã được công nhận. Công ty đã quyết định tài trợ cho ông theo học chương trình MBA danh giá tại London Business School và ông hoàn thành nó vào năm 1980.
Đây chính là mảnh ghép thứ hai hoàn thiện bộ não kép của ông. Nếu ngành kỹ thuật hóa học dạy ông cách vận hành một cỗ máy, thì MBA dạy ông cách mua và bán cả cỗ máy đó. Ông học về đòn bẩy tài chính, về cách sử dụng nợ để tạo ra tài sản, về nghệ thuật định giá một công ty, và quan trọng nhất, về cách nhìn ra những giá trị tiềm ẩn mà người khác bỏ qua. Từ năm 1980 đến 1988, ông quay lại Courtaulds với vai trò quản lý kỹ thuật, tiếp tục học hỏi cách vận hành những nhà máy hóa chất quy mô lớn. Ông đã có trong tay cả hai thứ vũ khí: kiến thức sâu rộng về công nghiệp và những công cụ sắc bén của tài chính.
3. Lấn sân sang lĩnh vực kinh tế
Năm 1989, ở tuổi 37, Jim Ratcliffe thực hiện một bước nhảy vọt quan trọng. Ông rời bỏ sự ổn định của ngành công nghiệp để gia nhập Advent International, một công ty đầu tư cổ phần tư nhân toàn cầu của Mỹ. Đây không phải là một môi trường làm việc thông thường. Nó là một lò luyện, nơi chỉ những người giỏi nhất và lì lợm nhất mới có thể tồn tại. Môi trường tại đây vô cùng khắc nghiệt, áp lực đến tột cùng. Ratcliffe sau này đã mô tả nó một cách ngắn gọn và tàn nhẫn: “Nếu bạn làm một thương vụ tệ, bạn sẽ bị sa thải. Nếu bạn không làm được thương vụ nào, bạn cũng sẽ bị sa thải.”
Không có chỗ cho sai lầm. Mỗi ngày đều là một bài kiểm tra về khả năng phân tích, đàm phán và quyết đoán. Chính tại Advent, kỹ năng Mua bán và Sáp nhập của Ratcliffe đã được mài giũa đến mức sắc bén. Ông học được cách "săn mồi" dựa vào những ý tưởng như:
- Làm thế nào để tìm ra một công ty bị định giá thấp?
- Làm thế nào để phân tích bảng cân đối kế toán của nó trong thời gian ngắn nhất?
- Làm thế nào để cấu trúc một thương vụ bằng nợ vay?
- Làm thế nào để thuyết phục các ngân hàng và nhà đầu tư tin vào tầm nhìn của mình?
Tất cả các câu hỏi đó, Jim đều có câu trả lời. Ông đã được trang bị đầy đủ và sẵn sàng để đi săn.
4. Bước ngoặt
Năm 1992, sau ba năm trong lò luyện Advent, Jim Ratcliffe cảm thấy thời cơ đã chín muồi. Ông quyết định thực hiện canh bạc đầu tiên, cũng là canh bạc lớn nhất cuộc đời ông cho đến thời điểm đó. Ông nhắm đến một mục tiêu: mảng kinh doanh hóa chất của tập đoàn năng lượng The British Petroleum Company – một tài sản mà gã khổng lồ này không còn coi là cốt lõi. Cùng với một đối tác, ông dẫn dắt một thương vụ mua lại với giá 40 triệu bảng Anh. Để có được khoản vay từ ngân hàng, Ratcliffe đã làm một việc mà chỉ những người có niềm tin tuyệt đối vào bản thân mới dám làm: ông thế chấp toàn bộ tài sản cá nhân, bao gồm cả ngôi nhà của mình. Đó là một hành động "all-in", đặt cược toàn bộ tương lai của gia đình vào một thương vụ. Nếu thất bại, ông sẽ mất tất cả.
Nhưng Jim Ratcliffe đã thành công. Công ty mới được đặt tên là Inspec. Ratcliffe và đội ngũ của mình ngay lập tức áp dụng những gì đã được học. Họ lao vào tái cấu trúc, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình. Họ vận hành nhà máy với sự tinh gọn và hiệu quả của một công ty nhỏ, năng động. Kết quả đến rất nhanh chóng. Chỉ hai năm sau, vào năm 1994, Inspec thực hiện IPO trên Sàn giao dịch Chứng khoán London. Công ty được định giá khoảng 100 triệu bảng Anh, hơn gấp đôi số tiền họ bỏ ra trước đó.
Với số tiền thu được từ Inspec, Ratcliffe giờ đây đã có đủ vốn và sự tự tin để xây dựng một đế chế của riêng mình. Năm 1998, ông chính thức thành lập INEOS. Viên gạch đầu tiên của đế chế được đặt tại Antwerp, Bỉ, với việc mua lại một nhà máy từ chính Inspec với giá 84 triệu bảng. Từ đó, INEOS bắt đầu một chuỗi các thương vụ thâu tóm ngoạn mục.

Năm 2001, ông thâu tóm mảng hóa chất cơ bản của Imperial Chemical Industries, một biểu tượng đang suy tàn của ngành công nghiệp Anh. Nhưng thương vụ định mệnh, thương vụ đã đưa INEOS từ một công ty lớn thành một gã khổng lồ toàn cầu, diễn ra vào năm 2005. Mục tiêu lần này là Innovene, mảng kinh doanh lọc dầu và hóa dầu của The British Petroleum Company - công ty đã sa thải ông sau 3 ngày làm việc vì lý do bệnh da liễu. Mức giá đưa ra là 9 tỷ USD, một con số lớn gấp bốn lần tổng doanh thu của INEOS vào thời điểm đó. Đó là một quyết định không tưởng, một khoảnh khắc mà ông “đặt cược toàn bộ tập đoàn”. Nhưng Jim Ratcliffe lại tiếp tục thắng lớn. Thương vụ này đã biến đổi INEOS chỉ sau một đêm và cũng là lời đáp trả ngọt ngào cho quá khứ không mấy vui vẻ. Đến năm 2007, ông tiếp tục mua lại mảng polymer của Norsk Hydro. Cỗ máy M&A của Ratcliffe hoạt động hết công suất sau từng năm.
5. Đa dạng hóa & đầu tư thể thao
Khi đã thành công trong thế giới công nghiệp, Jim Ratcliffe bắt đầu tìm kiếm những thử thách mới trong thế giới thể thao. Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của một hệ sinh thái thể thao hiệu suất đa dạng. Từ năm 2017 đến 2019, ông lần lượt mua lại CLB bóng đá Lausanne-Sport tại Thụy Sĩ và CLB Nice tại Pháp, thành lập đội đua thuyền buồm INEOS Britannia, mua lại đội đua xe đạp hàng đầu thế giới Team Sky rồi đổi tên thành INEOS Grenadiers, đồng thời mua 1/3 cổ phần của đội đua F1 Mercedes. Năm 2019, ông còn lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô với việc thành lập INEOS Automotive, cho ra đời mẫu xe 4x4 Grenadier.
Và rồi, vào năm 2024, quyết định lớn nhất trong lĩnh vực thể thao của ông đã hoàn tất: chi 1,3 tỷ USD để mua 27,7% cổ phần của đội bóng đá Manchester United và giành quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động của câu lạc bộ. Đến năm 2025, dù tài sản ròng của ông biến động mạnh theo thị trường hóa dầu, ở mức khoảng 17 tỷ bảng Anh, nhưng tham vọng của Sir Jim Ratcliffe tại Old Trafford chỉ mới bắt đầu.
II. TRIẾT LÝ KINH DOANH & VẬN HÀNH: BỘ GEN CỦA MỘT TẬP ĐOÀN HÀNG ĐẦU
Để hiểu được thành công phi thường của INEOS và tầm nhìn của Sir Jim Ratcliffe, chúng ta không thể chỉ nhìn vào các thương vụ tỷ đô hay những con số khổng lồ về doanh thu. Hãy chậm lại và phân tích, mổ xẻ cỗ máy bên trong, giải mã bộ gen đã tạo nên đế chế này. Đó không phải là một bộ quy tắc phức tạp được viết trong những cuốn sổ tay dày cộm, mà là một tập hợp các nguyên tắc đơn giản đến đáng ngạc nhiên, nhưng lại được thực thi với một sự tàn nhẫn và hiệu quả đầy bất ngờ.
Cốt lõi của triết lý này là công thức vàng đã đưa Ratcliffe từ một người phải thế chấp nhà trở thành tỷ phú: “Mua - cải thiện - tạo giá trị”. Ông không phải là một nhà đầu tư tìm kiếm những ngôi sao đang lên, những công ty công nghệ hào nhoáng. Ông là một nhà khảo cổ doanh nghiệp, một kẻ săn lùng những tài sản bị lãng quên. Chiến trường của ông là những bộ phận kinh doanh không cốt lõi, những nhà máy cũ kỹ mà các tập đoàn lớn muốn bán đi để làm đẹp bảng cân đối kế toán. Đối với họ, đó là gánh nặng. Đối với Ratcliffe, đó là những viên kim cương thô đang chờ được mài giũa. Với con mắt của một kỹ sư hóa học và một nhà đầu tư, ông nhìn vào một nhà máy đang hoạt động kém hiệu quả và thấy được tiềm năng, thấy được những quy trình có thể tối ưu, những chi phí có thể cắt bỏ. Ông nhìn thấy giá trị ở nơi người khác chỉ thấy sự rệu rã.
Để có được những viên kim cương đó, ông cần vũ khí, và vũ khí của ông chính là sự kết hợp giữa đòn bẩy nợ và tầm nhìn dài hạn của một công ty tư nhân. Jim Ratcliffe là một bậc thầy trong việc sử dụng nợ có lợi suất cao để tài trợ cho các thương vụ. Ông vay những khoản tiền khổng lồ, đặt cược vào khả năng của mình để có thể biến một tài sản đang thua lỗ thành một cỗ máy in tiền. Việc INEOS là một công ty tư nhân đã giải phóng ông khỏi cái cùm của Phố Wall. Ông không phải chịu áp lực báo cáo lợi nhuận hàng quý. Ông không phải chiều lòng những nhà phân tích chỉ nhìn vào kết quả ngắn hạn. Ông có thể suy nghĩ bằng thập kỷ, không phải bằng quý. Sự tự do đó cho phép ông thực hiện những canh bạc dài hơi, chấp nhận những khoản lỗ trước mắt để gặt hái những thành quả chiến lược to lớn trong tương lai.
Khi đế chế ngày càng phình to, Ratcliffe đối mặt với một câu hỏi hóc búa: làm thế nào để quản lý mà không rơi vào cái bẫy của sự quan liêu – chính căn bệnh mà ông đã khai thác để chiến thắng các đối thủ? Câu trả lời của ông là một mô hình độc đáo: cấu trúc “liên bang tinh gọn”. INEOS không phải là một đế chế với quyền lực tập trung tuyệt đối. Nó là một liên bang của những tiểu bang tự trị. Mỗi đơn vị kinh doanh hoạt động như một công ty độc lập, có ban lãnh đạo riêng, có trách nhiệm với lợi nhuận của chính mình. Trụ sở chính của cả tập đoàn, nơi điều hành một cỗ máy toàn cầu, lại nhỏ đến kinh ngạc, chỉ với khoảng 40 người. Triết lý ở đây rất rõ ràng: trao quyền và yêu cầu trách nhiệm. Ban lãnh đạo của mỗi đơn vị được yêu cầu phải quản lý "như thể họ là chủ sở hữu" thực sự, phải đau đáu với từng đồng chi phí như thể đó là tiền túi của mình.
Văn hóa của liên bang này được xây dựng trên ba trụ cột đơn giản nhưng đầy sức nặng: “Grit – Rigour – Humour”.
- Grit (Gan góc) là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, là sự bền bỉ được tôi luyện từ những ngày thơ ấu.
- Rigour (Nghiêm ngặt) là di sản từ tấm bằng kỹ sư hóa học, là sự tôn thờ dành cho dữ liệu, cho logic và những phân tích tài chính lạnh lùng. Không có chỗ cho sự cảm tính.
- Humour (Hài hước) là chất bôi trơn cho cỗ máy khắc nghiệt đó. Nó tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi người không sợ nói lên sự thật, dù nó có khó nghe đến đâu.
Sự nghiêm ngặt và gan góc đó được thể hiện rõ nhất qua phong cách đàm phán cứng rắn của ông. Cuộc đối đầu với các công đoàn tại nhà máy hóa dầu Grangemouth năm 2013 đã trở thành một huyền thoại khi Sir Jim Ratcliffe không bước vào bàn đàm phán một cách ngây thơ. Ông chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi khi tích trữ dầu dự trữ, chủ động trên mặt trận truyền thông, và cuối cùng, đưa ra một tối hậu thư không khoan nhượng khi đe dọa đóng cửa nhà máy, đặt 800 việc làm vào tình trạng nguy hiểm và tuyên bố không đảm bảo tiền bồi thường thất nghiệp hoặc việc làm vào Giáng sinh 2013. Ông đã chứng tỏ mình sẵn sàng chấp nhận một kết quả tồi tệ để tránh một thỏa hiệp mà ông cho là phi lý.
Tuy nhiên, song song với sự tàn nhẫn trong kinh doanh là một nguyên tắc bất di bất dịch trong vận hành: An toàn là tuyệt đối. Trong ngành công nghiệp hóa chất đầy rẫy nguy cơ, đây là ưu tiên số một trong mọi cuộc họp của Hội đồng Quản trị, đứng trên cả lợi nhuận. Các nhà lãnh đạo cũng được yêu cầu phải "walk the talk" – thường xuyên có mặt tại các nhà máy, hiểu rõ hoạt động thực tế từ gốc rễ, thay vì chỉ ngồi trong những văn phòng máy lạnh.
Vậy, một triết lý được rèn giũa trong những nhà máy hóa chất và các phòng đàm phán tài chính liệu có thể áp dụng vào một thế giới hoàn toàn khác – thế giới của thể thao? Câu trả lời của Jim Ratcliffe là một sự khẳng định chắc nịch. Ông không xem việc sở hữu các câu lạc bộ thể thao là "đồ chơi của tỷ phú", một thứ để mua vui hay đánh bóng tên tuổi. Ông áp dụng chính bộ gen của INEOS vào lĩnh vực này một cách không khoan nhượng.
Thể thao là một lĩnh vực cần được đầu tư nghiêm túc, một tài sản thương hiệu và hiệu suất cao. Mỗi câu lạc bộ hay đội đua mà INEOS vận hành đều phải hoạt động như một doanh nghiệp, phải có khả năng tự trang trải chi phí và lý tưởng nhất là tạo ra lợi nhuận. Và minh chứng rõ ràng, thành công nhất cho triết lý này chính là những gì ông đã làm với đội đua xe đạp INEOS Grenadiers.

Khi Ratcliffe quyết định bước vào thế giới xe đạp chuyên nghiệp vào năm 2019, ông không xây dựng một đội từ con số không. Ông thực hiện một nước đi đặc trưng của INEOS: mua lại một tài sản hàng đầu, có tiềm năng và đang cần một chủ sở hữu mới. Ông đã thâu tóm Team Sky, cỗ máy chiến thắng đã thống trị tuyệt đối các giải Grand Tour trong suốt một thập kỷ. Ngay lập tức, cái tên được đổi thành INEOS Grenadiers. Đây không chỉ là một sự thay đổi về nhà tài trợ. Đó là một tuyên bố chiến lược: đội đua xe đạp hàng đầu thế giới giờ đây trở thành một tấm biển quảng cáo di động trị giá hàng trăm triệu đô la cho mẫu xe 4x4 Grenadier mà INEOS Automotive đang phát triển.
Nhưng Ratcliffe không chỉ rót tiền. Ông tiếp tục duy trì và khuếch đại triết lý đã làm nên thành công của Team Sky, một triết lý hoàn toàn tương thích với tư duy của chính ông. Dưới sự chỉ đạo của Sir Dave Brailsford, người được coi như cánh tay phải của Sir Jim, đội đua vận hành như một phòng thí nghiệm hiệu suất. Mọi chi tiết, dù là nhỏ nhất, đều được phân tích và tối ưu hóa một cách khoa học. Từ việc cải thiện 1% khí động học trên trang phục, tinh chỉnh từng gram trong chế độ dinh dưỡng, cho đến việc mang theo nệm và gối riêng cho từng vận động viên đến các khách sạn để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Đó chính là sự "nghiêm ngặt" của một kỹ sư được áp dụng vào thể thao.
Và kết quả đã đến gần như ngay lập tức. Ngay trong năm đầu tiên khoác lên mình màu áo INEOS, vào năm 2019, tay đua trẻ Egan Bernal đã chinh phục chiếc Áo Vàng danh giá của Tour de France. Thành công tiếp nối một cách ngoạn mục khi Tao Geoghegan Hart đăng quang tại Giro d'Italia năm 2020, và chính Egan Bernal lại một lần nữa chiến thắng giải đấu này vào năm 2021. Đội đua không chỉ là một khoản đầu tư, nó là một cỗ máy chiến thắng được vận hành bởi kỷ luật, dữ liệu và một khao khát không ngừng để trở nên hoàn hảo hơn.
Thành công của INEOS Grenadiers đã chứng minh một điều: triết lý của Ratcliffe hoàn toàn có thể được áp dụng vào thể thao đỉnh cao. Chính vì vậy, nguyên tắc quản trị tinh gọn cũng được sao chép nguyên bản sang các tài sản khác. Từng câu lạc bộ thể thao đều có CEO riêng, hoạt động với một ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như Luật Công bằng Tài chính của bóng đá hay giới hạn chi phí của giải đua Công thức 1.
Và có lẽ, điều đáng sợ nhất đối với thế giới thể thao đầy cảm tính là sự sẵn sàng cắt lỗ của ông. Việc rút lui khỏi cuộc đua thuyền buồm danh giá America's Cup vào năm 2025 sau khi đã đầu tư hàng trăm triệu là minh chứng điển hình. Nếu một khoản đầu tư không còn phù hợp với chiến lược tổng thể, hoặc khi chi phí bắt đầu vượt quá lợi ích mang lại, ông sẵn sàng cắt bỏ nó một cách quyết đoán, không một chút do dự, bất chấp uy tín hay lịch sử. Đó chính là tư duy INEOS được áp dụng một cách thuần khiết nhất.
III. TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT: MANCHESTER UNITED
Nếu INEOS là một đế chế được xây dựng trên logic, thì Manchester United lại là một lãnh địa được cai trị bởi cảm xúc, lịch sử và những giấc mơ. Thương vụ thâu tóm hoạt động bóng đá của câu lạc bộ không chỉ là một khoản đầu tư tài chính thông thường trong danh mục của Sir Jim Ratcliffe. Nó là một canh bạc về di sản. Đây là nơi triết lý kinh doanh của ông đối mặt với bài kiểm tra lớn nhất, khắc nghiệt nhất, nơi một kỹ sư hóa học phải tìm cách tái sinh một biểu tượng văn hóa đang hấp hối.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 2 năm 2024. Thông qua công ty Trawlers Ltd, Sir Jim Ratcliffe đã hoàn tất một thỏa thuận phức tạp nhưng đầy chiến lược: chi khoảng 1,65 tỷ USD để sở hữu 27,7% cổ phần của Manchester United, kèm theo một cam kết đầu tư thêm 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của câu lạc bộ. Nhưng con số không nói lên toàn bộ câu chuyện. Điều khoản quan trọng nhất, viên ngọc quý của cả thương vụ, nằm ở một chi tiết mang tính quyết định: INEOS sẽ nắm toàn bộ quyền kiểm soát và vận hành các hoạt động bóng đá. Gia đình Glazer, dù vẫn giữ phần lớn cổ phần, giờ đây sẽ phải lùi lại. Mọi quyết định liên quan đến sân cỏ, từ việc bổ nhiệm huấn luyện viên, chiến lược chuyển nhượng cho đến tầm nhìn phát triển học viện, giờ đây đều nằm trong tay Ratcliffe và đội ngũ của ông. Ông đã có được chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào phòng điều khiển của cỗ máy Quỷ Đỏ.
Và hành động đầu tiên của ông không phải là vung tiền mua các ngôi sao để xoa dịu người hâm mộ. Hành động đầu tiên của một kỹ sư khi tiếp quản một nhà máy rệu rã là xây dựng lại bộ máy. Ông đã thực hiện một cuộc “đại phẫu thuật” ở thượng tầng nhằm loại bỏ những cấu trúc yếu kém đã tồn tại suốt một thập kỷ.
Omar Berrada được lôi kéo từ chính đối thủ truyền kiếp Manchester City để ngồi vào chiếc ghế CEO. Đây không chỉ là một sự bổ nhiệm nhân sự. Đây là một cú đấm thẳng vào gã hàng xóm ồn ào, một tuyên bố đanh thép rằng United sẽ không còn chấp nhận vị thế thứ hai. Jason Wilcox, một chuyên gia về phát triển trẻ, được đưa về từ Southampton để nắm giữ vai trò Giám đốc Kỹ thuật, với nhiệm vụ khơi thông những mạch máu trẻ đã từng là niềm tự hào của câu lạc bộ. Và giám sát tất cả, như một kiến trúc sư trưởng, là Sir Dave Brailsford – cánh tay phải của Ratcliffe, người đã xây dựng nên những công thức thành công trong thể thao với môn đua xe đạp. Tuy nhiên hiện tại, vai trò của Dave tại MU đã giảm đi đáng kể ở thời điểm hiện tại. Như Ratcliffe đã nói với Gary Neville vào một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 năm 2025: "Bạn cần phải có đúng người, ngồi vào đúng vị trí... Bạn cần tạo ra một môi trường có định hướng, có tính cạnh tranh, chăm chỉ và thân thiện."
Ngay sau khi bộ khung lãnh đạo được thiết lập, một cuộc tinh giản nhân sự quy mô lớn đã diễn ra, với mục tiêu cắt giảm số lượng nhân viên từ khoảng 1.150 người xuống còn khoảng 700. Những chính sách thắt lưng buộc bụng mang tính biểu tượng, như việc cắt bỏ "bữa trưa miễn phí" cho nhân viên văn phòng, đã được áp dụng. Thông điệp rất rõ ràng: kỷ nguyên của sự lãng phí, của một nền văn hóa tự mãn đã kết thúc. Mọi người phải làm việc hiệu quả hơn. Ông cũng không ngần ngại loại bỏ những nhân sự cấp cao mà ông cho là không phù hợp, như trường hợp của Dan Ashworth, người rời đi chỉ sau 5 tháng vì cái mà ông gọi là "thiếu sự ăn khớp".
Cũng trong cuộc phỏng vấn thẳng thắn với Neville, Ratcliffe đã không ngần ngại vẽ ra một bức tranh tài chính đáng báo động, lý giải cho những hành động quyết liệt của mình. Ông tiết lộ rằng câu lạc bộ đã lỗ tới 330 triệu bảng trong 4 năm qua. Chi phí vận hành tăng thêm 1 triệu bảng mỗi tuần. Quỹ lương thì phình to thêm 100 triệu bảng so với năm 2018. Tệ hơn nữa, vào mùa hè năm 2025, câu lạc bộ còn phải đối mặt với khoản thanh toán trị giá 89 triệu bảng cho các điều khoản trong những bản hợp đồng cũ. Ông miêu tả một cách mỉa mai nhưng chính xác về sự kém hiệu quả trong quá khứ: "Họ đã chi một số tiền khủng khiếp... Tôi phải nói rằng, họ đã rất, rất giỏi trong việc mua những cầu thủ đắt giá."
Và rồi, ông đưa ra một lời cảnh báo lạnh gáy, một câu nói khiến tất cả người hâm mộ phải bừng tỉnh: “Câu lạc bộ có thể cạn tiền vào cuối năm 2025” nếu không có những hành động triệt để. Đó không còn là một lời phàn nàn, đó là một thực tế phũ phàng. Kỷ luật tài chính của INEOS giờ đây đang được áp dụng một cách không khoan nhượng tại Old Trafford.
Cùng với đó, một trong những thách thức lớn nhất và hữu hình nhất chính là tương lai của sân Old Trafford. Ratcliffe mô tả nó một cách không thương tiếc: "Đó là một sân vận động đã xuống cấp... nó không còn đạt chất lượng mà bạn mong đợi ở Manchester United." Hai kịch bản lớn đang được đặt lên bàn. Một là một phương án phức tạp và tốn kém: đập bỏ và xây lại từng phần của Old Trafford trong khi vẫn thi đấu tại đó. Hai là một tầm nhìn táo bạo hơn nhiều: xây mới hoàn toàn một sân vận động, tạo nên một "sân vận động của phương Bắc", trong một dự án tái thiết toàn bộ khu vực Trafford Park.
Đối mặt với những quyết định có thể gây tranh cãi này, Ratcliffe cho thấy sự nhạy cảm nhất định với người hâm mộ. Ông thừa nhận mình là một người hâm mộ MU từ nhỏ và luôn cân nhắc đến phản ứng của các cổ động viên. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định một quan điểm cứng rắn, một triết lý đã giúp ông thành công trong kinh doanh: “Sự thay đổi luôn gặp phải sự phản kháng. Đôi khi bạn phải chấp nhận không được yêu mến để có thể thành công.”
Con đường phía trước của Manchester United dưới thời Sir Jim Ratcliffe có thể được hình dung qua hai kịch bản. Kịch bản tốt đẹp nhất là kỷ luật tài chính được thiết lập, tạo ra một cỗ máy vận hành trơn tru. Kết quả trên sân cỏ sẽ đến, đưa Manchester United thực sự trở lại Premier League vào mùa giải 2026/27. Dự án sân vận động mới được tài trợ thành công, và giá trị của câu lạc bộ tăng vọt lên trên 6 tỷ USD. Nhưng cũng có một kịch bản xấu. Việc cắt giảm quá nhanh gây ra xung đột văn hóa, kết quả trên sân cỏ không cải thiện. Áp lực từ người hâm mộ ngày càng lớn, buộc gia đình Glazer phải bán nốt phần còn lại. Khi đó, Ratcliffe sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc tăng tỷ lệ sở hữu và gánh thêm rủi ro, hoặc rút lui. Tuy nhiên, với một người có tầm nhìn như ông, câu chuyện tương lai của MU sẽ còn những điều rất thú vị đang chờ đón phía trước.
IV. LỜI KẾT
Sir Jim Ratcliffe là một hiện thân độc đáo của ba con người trong một: một kỹ sư với tư duy logic và nghiêm ngặt, một nhà giao dịch với sự liều lĩnh và khả năng nhìn ra giá trị, và một nhà thám hiểm với ý chí sắt đá và khao khát chinh phục những đỉnh cao mới. Ông đã xây dựng nên đế chế INEOS bằng một công thức đã được kiểm chứng: mua lại những tài sản bị bỏ quên, vận hành chúng một cách tinh gọn, sử dụng đòn bẩy tài chính một cách thông minh, và đàm phán bằng một ý chí sắt đá.
Giờ đây, thách thức mới và cũng là lớn nhất tại Manchester United đang buộc ông phải chuyển hóa triết lý công nghiệp đó vào thế giới đầy cảm xúc và khó lường của bóng đá. Kết quả trong những năm tới sẽ quyết định di sản cuối cùng của ông. Liệu ông sẽ mãi được nhớ đến như một chủ tịch lạnh lùng, người chỉ biết đến những con số? Hay ông sẽ trở thành kiến trúc sư vĩ đại, người đưa Quỷ Đỏ trở lại đỉnh cao vinh quang? Tương lai phía trước sẽ định hình lại di sản của một trong những doanh nhân táo bạo và phức tạp nhất châu Âu.

Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất